Cảm ơn chị, người giáo viên giỏi đã thắp lửa nhiệt huyết trong tôi
Trong chặng đường hơn mười năm làm nghề giáo của mình, tôi may mắn gặp được những đồng nghiệp cũng là người thầy, người chị hết lòng bảo ban, truyền đạt kinh nghiệm của người đi trước. Chị là một trong số đó, một giáo viên Ngữ Văn giỏi nhiều năm liền đã thắp lửa nhiệt huyết bồi dưỡng học sinh giỏi trong tôi.
Chị rất “mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm nào đội tuyển của chị cũng đạt giải cao trong các kỳ thi. Vừa ngưỡng mộ, tôi vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của chị từ khâu phát hiện học sinh có năng khiếu, quan sát niềm đam mê viết của các em, hướng dẫn các em cách tiếp cận đề bài, cách làm bài hiệu quả… Thú thật, đó là vốn kinh nghiệm “sống” vô giá mà không có sách vở nào ghi chép.
Mấy người bạn của tôi thường tâm sự về những đồng nghiệp có tính ích kỷ, thích giấu nghề. Họ có tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi nào hay là giấu kỹ không cho mượn. Muốn học hỏi kinh nghiệm thì bạn tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Cứ dạy rồi quen, dạy nhiều tự khắc có kinh nghiệm”. Chị lại khác, thường cho tôi những lời khuyên chân tình, những bài học kinh nghiệm ý nghĩa.
Chị và tôi thường bàn luận rất hăng say về chủ đề thi học sinh giỏi. Chúng tôi đều thừa nhận rằng người giáo viên vừa giảng dạy vừa học tập từ chính học sinh của mình. Đôi khi các em có những phát hiện, cảm thụ cực kỳ sáng tạo làm tôi phải ngạc nhiên. Đôi khi các em có những cách trình bày vấn đề, cách diễn đạt câu chữ khiến tôi khâm phục.
Những lúc ấy, tôi phải lấy điện thoại chụp hình lại đoạn văn kia, lấy giấy bút ghi chép lại câu văn đó để làm tư liệu, tích lũy chuyên môn cho hành trang giảng dạy. Nói thế để thấy rằng năng lực của học sinh sẽ được khai thác tối đa từ trong chính các lớp bồi dưỡng. Như một viên ngọc thô sơ sẽ chẳng bao giờ bộc lộ ánh sáng lấp lánh của nó nếu không được mài giũa, năng khiếu học sinh cũng vậy.
Mặt khác, giáo viên được phân công bồi dưỡng, dù muốn dù không cũng phải tìm cách nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình. Đôi khi, không phải vì mục đích giành giải này giải nọ, chỉ đơn giản là muốn tạo uy tín với học sinh, người thầy buộc phải tự mày mò, nghiên cứu tài liệu, tiếp cận nhiều nguồn thông tin…
Tay nghề giáo viên sẽ được nâng lên từ trong chính nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Nói cách khác, kỳ thi học sinh giỏi là lực đẩy cần thiết buộc người thầy phải vận động, chống căn bệnh “chây ì”, tự thỏa mãn với thành tích cá nhân trong công tác giảng dạy.
Quan điểm này của chị hoàn toàn trái ngược với bao nhiêu lời thở than ngoài kia đang lên tiếng xóa bỏ kỳ thi. Và tôi ủng hộ chị.
Bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường phổ thông không có chế độ, không được quy đổi số tiết miễn trừ. Nhiệt tình giảng dạy hay không đều phụ thuộc tâm ý của giáo viên. Tất nhiên trong trường tôi cũng có một số giáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng qua loa, chiếu lệ, đối phó. Có lúc tôi cũng bị “nhiễm” tính lười nhác ấy và suýt buông xuôi công tác.
Chính lúc ấy, chị khuyên nhủ tôi rất nhẹ nhàng rằng người giáo viên siêng hay biếng nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi không phải vì sợ ban giám hiệu đánh giá mà nên sợ học sinh nhận xét. Bởi học sinh thừa biết thầy cô nào dạy hay hoặc dở, nhiệt tâm hoặc không. Chính chúng ta xây dựng hình ảnh của mình trong lòng học sinh, lung linh hay mờ ảo là do ý thức và hành xử của chúng ta quyết định.
Từng chút một, tôi được chị truyền nghề bằng tấm lòng của một người chị, kinh nghiệm của một đồng nghiệp đi trước. Và hơn tất cả, chị đã thắp ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi… Xin cảm ơn chị thật nhiều!
Sưu tầm